Monthly Archives: March 2014

Phục Hình Và Đường Hoàn Tất Dưới Nướu Trong Thời Đại 4.0

Bất kể được sử dụng với loại vật liệu nào, mão răng toàn phần thường có tính xâm lấn và đôi khi không cần thiết. Phục hình nha khoa hiện đại đang có xu hướng chuyển giao mạnh mẽ sang vật liệu toàn sứ. Tuy nhiên, sẽ là phí phạm những lợi ích của loại vật liệu mới này nếu như chúng ta vẫn sử dụng chúng giống như những vật liệu cũ (như sứ sườn kim loại). Trên thực tế, mão răng toàn phần vẫn là loại phục hình phổ biến nhất trong nha khoa. Khảo sát gần đây của Clinicians Report trên các lab nha khoa tại Hoa Kỳ cho thấy: chỉ 2% các phục hình được thực hiện là phục hình bán phần (như onlay hay veneer). Theo ý kiến cá nhân của tác giả, thường cả nha sĩ và bệnh nhân đều không nhận được nhiều lợi ích với phục hình bao phủ toàn phần. Phục hình bán phần với vật liệu toàn sứ không chỉ có tính thẩm mỹ cao mà còn nên được chỉ định khi có thể, thay vì mão răng bao phủ toàn bộ. Lý do chính mà nhiều bác sĩ lâm sàng không thực hiện phục hình bán phần là vì họ không quen với việc sửa soạn và gắn các loại phục hồi này. Bài viết sẽ trao đổi một số ưu điểm của phục hình bán phần có đường hoàn tất trên nướu và những nguyên nhân căn bản vì sao nên chỉ định chúng thay cho phục hình mão răng toàn phần có đường hoàn tất dưới nướu như truyền thống.

Thay đổi quy trình thực hành nha khoa

Những lợi ích quan trọng của kỹ thuật phục hình trên nướu đã được trình bày từ lâu. Nó giúp đơn giản hóa quá trình thực hiện phục hồi dán bằng cách chủ động giữ đường hoàn tất nằm trên nướu. Điều này có thể giúp quy trình thực hành nha khoa trở nên đơn giản và dễ tiên lượng hơn so với những kỹ thuật phục hình cũ.

Những tiến bộ về vật liệu nha khoa, cùng với việc nắm bắt tốt và sử dụng chúng đúng cách sẽ cho phép chúng ta chuyển từ việc phải mài quá nhiều mô răng cho các phục hình sứ kim loại sang sửa soạn xâm lấn tối thiểu với những phục hình dán không kim loại khác, có tính bảo tồn và độ thẩm mỹ cao hơn, khả năng thành công về mặt lâm sàng dễ tiên lượng hơn. Những vật liệu mới đòi hỏi phải học tập những kỹ thuật mới. Không làm tốt việc này có thể dẫn đến sử dụng vật liệu không đúng và thậm chí là phục hình thất bại. Tuy nhiên, nếu được sử dụng đúng, những vật liệu và kỹ thuật mới này có thể giúp cải thiện thành công về mặt lâm sàng và tăng thêm sự hài lòng của bệnh nhân.

Trong nha khoa phục hồi, phục hình dán bán phần trên nướu có hướng tiếp cận hiện đại. Với mục tiêu chính là chủ động giữ đường hoàn tất của phục hình nằm trên nướu càng nhiều càng tốt, từ đó giúp thủ thuật nha khoa được tiến hành tốt và dễ dàng hơn. Có vài lợi ích quan trọng khi cố ý đặt đường hoàn tất trên nướu, chẳng hạn như: mô nướu lành mạnh hơn, quy trình phục hình dễ dàng hơn, mài mô răng ít hơn. Nhờ sự xuất hiện của những vật liệu mới cùng với việc sử dụng chúng một cách phù hợp mà hiện nay chúng ta có thể ứng dụng kỹ thuật phục hình trên nướu nhiều hơn. Tuy nhiên, phục hình mão và cầu răng có đường hoàn tất dưới nướu là kỹ thuật mà hầu hết các nha sĩ đều được học khi còn trong trường, nó đã trở thành quy trình thường quy và dần là một thói quen khó nhận biết và thay đổi.

Phục hình toàn phần có đường hoàn tất dưới nướu theo truyền thống

Theo yêu cầu thẩm mỹ của số đông, loại phục hình phổ biến nhất hiện nay vẫn là mão răng có màu giống màu răng thật. Các khảo sát gần đây cho thấy mão răng toàn phần (chủ yếu là sứ sườn kim loại và sứ sườn zirconia) vẫn là loại phục hình được gia công nhiều nhất tại các lab, chiếm 98% các loại phục hồi gián tiếp được chỉ định. Các loại mão răng nói trên phần lớn đều cản quang (mặc dù đã có các loại sườn zirconia trong suốt hơn, tuy nhiên chúng vẫn kém thẩm mỹ hơn so với các loại vật liệu toàn sứ sau này) và thường đòi hỏi phải đặt đường hoàn tất dưới nướu để giấu đi phần viền phục hình kém thẩm mỹ. Trong lịch sử, trường nha và các sách giáo khoa thường dạy kỹ thuật thực hiện phục hình toàn phần, trong đó có các bước cần thiết để đưa đường hoàn tất của phục hình xuống dưới nướu nhằm che bớt phần viền kém thẩm mỹ của mão răng sau này. Những trở ngại và sự khó kiểm soát của kỹ thuật này thường là rất lớn. Thách thức đầu tiên là làm sao để sửa soạn đường hoàn tất dưới nướu mà không gây chấn thương mô nha chu. Để có thể làm được điều này thì trước hết ta phải mài đường hoàn tất sơ khởi ngang nướu, sau đó đặt chỉ co nướu bộc lộ phần mô răng dưới nướu để có thể đưa đường hoàn tất xuống dưới mô nướu. Tiếp đó là đặt một sợi chỉ thứ hai để có thể lấy dấu rõ phần đường hoàn tất dưới nướu này. Việc lấy dấu đường hoàn tất dưới nướu cũng có những trở ngại riêng của nó. Nếu chưa đủ độ gian nan thì việc gắn cement cho phục hình sau cùng còn “tặng” cho ta thêm nhiều khó khăn khác nữa. Đôi khi sau khi tháo phục hình tạm ra khỏi cùi răng, nướu thường bị viêm và dễ chảy máu. Đó là hậu quả của mão răng không đạt yêu cầu và bệnh nhân vệ sinh răng miệng tại nhà kém. Nướu nhạy cảm và chảy máu tạo nhiều bất lợi cho việc cầm máu và cách ly cùi răng để gắn cement được tốt. Ngoài ra, việc khó kiểm soát sự khít sát tại đường hoàn tất, những hạn chế trong việc điều chỉnh đường viền phục hình và nguy cơ kích thích mô mềm, xâm phạm khoảng sinh học cũng là những nhược điểm đáng nói của kỹ thuật này.

Không may là việc đặt đường hoàn tất dưới nướu theo truyền thống như vậy vẫn còn tiếp diễn với những phục hình toàn sứ sau này. Đường hoàn tất dưới nướu vẫn thường được chỉ định với các phục hình dán như veneer, mão răng toàn sứ và thậm chí là các onlay không kim loại khác. Bằng cách sử dụng đường hoàn tất dưới nướu với phục hình dán bằng nhựa resin, mức độ khó khăn của quy trình càng tăng thêm, và ngược lại những lợi ích quan trọng của phục hình dán thì bị bỏ phí. Vấn đề chủ yếu nằm ở chỗ keo dán và cement resin không chịu được xâm nhiễm. Việc kiểm soát dịch và máu với đường hoàn tất dưới nướu là một trong những việc làm khó khăn, áp lực và khó tiên lượng nhất đối với nha sĩ.

Một khi đã thấy rõ những khó khăn của đường hoàn tất dưới nướu, ta rất dễ nhận ra rằng chính các bác sĩ lâm sàng đã tự tạo nên thử thách và sự phức tạp cho công việc của mình khi chọn kiểu sửa soạn cùi răng xâm lấn nói trên ngay cả trong những trường hợp có thể thiết kế đường hoàn tất trên nướu.

Phục hình dán bán phần có đường hoàn tất trên nướu: có thật sự tốt hơn?

Câu trả lời là có. Tuy nhiên nó chỉ tốt hơn khi sử dụng kỹ thuật phục hình trên nướu cùng với keo dán, cement gắn và vật liệu phục hình toàn sứ phù hợp. Cần phải hiểu và tận dụng tối đa những đặc điểm vốn có của vật liệu toàn sứ.

Chẳng hạn như độ trong là một đặc điểm quan trọng cần phải lưu ý khi sử dụng những vật liệu này cho phục hình bao phủ bán phần có đường hoàn tất trên nướu. Độ trong suốt giúp tạo sự hòa hợp màu sắc giữa phục hình và mô răng, nhờ độ thấu quang tương đồng của vật liệu và cấu trúc răng. Mức độ trong suốt rất khác nhau tùy vào loại sứ. Ví dụ như, sứ phủ trường thạch và sứ thủy tinh tăng cường leucite thường có độ trong suốt cao. Các phục hình sườn alumina hay zirconia thì luôn cản quang hơn, trong khi sứ lithium disilicate thì nằm đâu đó ở mức trung bình.

Khi sử dụng sứ trường thạch có độ trong suốt cao, ta có thể tạo được hiệu ứng kính áp tròng, làm đường hoàn tất gần như biến mất, nhờ đó không cần phải đặt đường hoàn tất dưới nướu nữa. Với những vùng chịu lực lớn hoặc những vùng xa vùng răng thẩm mỹ (chẳng hạn như các răng cối lớn thứ hai) ta có thể chọn các vật liệu toàn sứ bền hơn và ít trong suốt hơn như lithium disilicate hay zirconia nguyên khối.

Lời kết

Những tiến bộ nha khoa không ngừng cho phép nha sĩ chúng ta chăm sóc bệnh nhân tốt hơn, mang lại cho họ hàm răng khỏe mạnh và thẩm mỹ hơn. Lựa chọn đúng loại vật liệu cho từng trường hợp cụ thể và sử dụng kỹ thuật phù hợp là việc làm cấp thiết để mang lại chất lượng và thẩm mỹ tối ưu cho điều trị.

Phục hình có đường hoàn tất trên nướu không chỉ thân thiện với mô mềm hơn mà còn giúp bảo tồn mô răng, tăng cường tuổi thọ cho răng. Bất kể lấy dấu theo truyền thống hay lấy dấu kỹ thuật số, đường hoàn tất trên nướu vẫn dễ lấy hơn, và nhờ đó phục hình sau cùng sẽ chính xác hơn. Với đường hoàn tất trên nướu, ta sẽ dễ thực hiện được một phục hình tạm tốt và mô mềm sẽ lành mạnh hơn sau thời gian gắn tạm. Việc làm sạch cement dư cũng sẽ dễ hơn khi ta có thể nhìn thấy toàn bộ đường hoàn tất, giúp loại bỏ những vấn đề thường gặp khi bỏ sót cement dư dưới nướu. Đồng thời mọi thao tác chỉnh sửa đường hoàn tất và đường viền của phục hình (nếu cần) cũng sẽ được thực hiện chính xác, nhanh chóng và dễ dàng hơn.

Mang lại được những phục hình chất lượng, dễ kiểm soát, ít xâm lấn và có độ thẩm mỹ cao với chức năng lâu dài, cả bác sĩ và bệnh nhân sẽ đều cảm thấy hài lòng hơn. Và cuối cùng, cân nhắc sử dụng phục hình bán phần với đường hoàn tất trên nướu sẽ giúp chúng ta trở thành những nha sĩ tiến bộ hơn.