Monthly Archives: October 2015

8 Kiểu Ảnh Cần Thiết Cho Phục Hồi Thẩm Mỹ

Nếu bạn muốn chẩn đoán chính xác và trình bày một case điều trị thẩm mỹ hiệu quả thì chắc chắn sẽ cần phải đầu tư một bộ đồ nghề chụp ảnh kha khá. Có nhiều lý do để nên đầu tư cho nhiếp ảnh nha khoa, mình đã trình bày ở một bài viết trước. Hôm nay chúng ta sẽ tập trung vào chuyện sẽ làm gì với những thứ đã sắm sửa. Với mình, mình sẽ cất máy ảnh ở một chỗ nào dễ lấy và hướng dẫn các bạn trợ thủ làm sao để có thể hỗ trợ chụp những bức ảnh quan trọng một cách nhanh gọn lẹ. Sau đây là những kiểu ảnh mình thường chụp:
1. Tư thế nghỉ.
Đây là tư thế thường bị bỏ sót. Trong phần lớn các trường hợp, kiểu ảnh này không luôn luôn cần thiết để chẩn đoán, tuy nhiên ảnh chụp ở tư thế nghỉ có thể cung cấp một số thông tin hữu ích về hình dạng và vị trí môi của bệnh nhân. Bên cạnh đó còn có thể giúp phát hiện dấu hiệu tăng hoặc giảm kích thước dọc. Nếu bệnh nhân có kích thước dọc quá mức, ta có thể để ý thấy môi không khép kín hoàn toàn, phải hơi gắng sức thì hai môi mới chạm nhau được. Điều này cũng có thể gặp khi kích thước dọc bình thường nhưng các răng lại chìa quá mức. Nếu kích thước dọc quá thấp thì ta có thể thấy bệnh nhân bị viêm khóe mép hoặc thậm chí môi bị nhão, xệ.

2. Tư thế cười bình thường
Đề nghị bệnh nhân cười và quan sát. Với bệnh nhân có nhu cầu điều trị nha khoa thẩm mỹ, không hiếm những người phải cố giấu nụ cười của mình bằng cách nào đó. Bệnh nhân có thể thấy không thoải mái và cười một cách ngượng ngùng. Đây là một gợi ý tâm lý khá quan trọng. Kiểm tra sự cân xứng của nụ cười. Bệnh nhân cười có lộ nhiều răng hơn ở một bên không. Nếu có, hãy giải thích cho họ rằng điều đó sẽ không thể điều chỉnh chỉ bằng phục hồi thẩm mỹ được.

3. Tư thế cười chủ động
Đây thường là bức ảnh quan trọng nhất cần chụp. Đề nghị bệnh nhân cười sao cho thấy răng và nướu càng nhiều càng tốt trong khi hai hàm vẫn chạm nhau. Đây là lúc ta có thể xác định đường cười của bệnh nhân. Nếu có thể nhìn thấy đường viền nướu thì ta phải cân nhắc về vấn đề thẩm mỹ của mô nướu. Nếu có sự không cân xứng, ít nhất cần cân nhắc làm dài thân răng thẩm mỹ hoặc tạo dạng đường viền nướu lại.

Nếu các răng được phục hồi bằng implant và bệnh nhân có đường cười cao, ta cần nắm rõ những phần cần được phục hình tái tạo mô mềm (có thể bằng nhựa, sứ hoặc composite). Việc làm này tương đối khó và thường thì ghép mô liên kết sẽ giúp mang lại kết quả tốt nhất. Phân tích và nắm rõ điều này ngay từ sớm cũng rất quan trọng.
Cũng cần để ý hành lang má của bệnh nhân. Nhiều người chẳng quan tâm là răng của họ có che kín hành lang má hay không, nhưng một số người thì lại rất để ý đến chuyện này.

4. Tư thế thẳng, có banh miệng
Đặt banh miệng và chụp một bức ở tư thế nhìn thẳng từ phía trước. Nó sẽ giúp bạn quan sát được tất cả các chi tiết cần thiết mà không bị cản trở bởi môi. Đây là một kiểu ảnh quan trọng để đánh giá sự đối xứng, đường giữa mặt, đường giữa răng và tương quan vị trí, hình thể giữa các răng.

5 và 6. Mặt bên phải và trái.
Có thể chụp với gương hoặc chỉ với banh miệng. Dùng gương sẽ cho phép nhìn thấy những chi tiết của vùng răng sau mà không thể quan sát được trên những ảnh khác.

7 và 8. Mặt nhai hàm trên và hàm dưới.
Hình chụp mặt nhai tốt sẽ giúp đánh giá được vị trí các răng theo chiều ngoài-trong. Nếu bạn đang lưu ý việc điều trị chỉnh nha hỗ trợ thì những hình này sẽ rất giá trị. Hình chụp mặt nhai còn cho biết hình dạng cung răng của bệnh nhân. Cung răng hình vuông sẽ cần phải xử lý khác so với cung răng hình bầu dục.

Một số hình chụp bổ sung khác
Ta có thể chụp miệng bệnh nhân ở tư thế nghỉ khi hai hàm không chạm nhau. Nó có thể cho một số thông tin về vị trí rìa cắn ở tư thế nghỉ, cũng rất hữu ích trong một số trường hợp.
Chúng ta cũng có thể chụp ảnh khuôn mặt nhìn thẳng và nhìn nghiêng để đánh giá tương quan nụ cười của bệnh nhân với thẩm mỹ toàn khuôn mặt. Tuy nhiên, theo mình thì những ảnh này không phải lúc nào cũng cần thiết. Nó sẽ có ích khi cần phục hồi toàn bộ cung răng, đánh giá kích thước dọc, phân tích chỉnh nha…

Tạo Dạng Thoát (EMERGENCE PROFILE) Cho Phục Hình Trên IMPLANT.

Tình hình là bây giờ chúng ta đang rất tự tin để làm phục hình trên implant ở vùng răng thẩm mỹ. Tuy nhiên cảm giác như mình là một “siêu nha sĩ” nên chúng ta muốn phải làm phục hình này đẹp hết mức có thể.

Giả sử đã có một phẫu thuật viên giỏi, nhờ vậy implant được cắm theo hướng rất thuận lợi cho phục hình. Bên cạnh đó còn có một lab rất tốt, mão sứ lên sẽ nhìn rất lung linh. Vậy thì bác sĩ phục hình sẽ làm gì đây? Chỉ đơn giản là lấy dấu và so màu thôi là xong sao?

Không. Không phải như vậy. Chúng ta có thể tạo dạng thoát cho phục hình để mô phỏng lại dạng thoát của răng thật. Implant có thiết diện tròn. Nhưng thiết diện cắt ngang dưới nướu của răng tự nhiên thì chắc chắn không phải là hình tròn.

Đã bao giờ bạn lấy dấu một implant hình trụ tròn bằng một coping lấy dấu hình trụ tròn và gửi cho lab? Bạn có biết phần lớn các lab tốt sẽ làm gì trong trường hợp này? Họ sẽ tạo dạng thoát cho bạn. Kỹ thuật viên sẽ đắp sứ ở phần dưới nướu. Họ bắt buộc phải làm việc này vì họ cần phải chuyển tiếp từ một hình tròn sang hình dạng răng khi phục hình đi xuyên qua nướu. Nếu họ không làm vậy thì trước hết phục hình trông sẽ rất ngớ ngẩn, gây nhồi nhét thức ăn, dễ tích tụ mảng bám, và sau đó mọi thứ sẽ nhìn còn tệ hơn nếu xảy ra tụt nướu.

Bên cạnh đó, khi ta đưa phục hình xuống khít sát, bệnh nhân sẽ la oai oái. Đó là vì ta đã làm giãn mô nướu quá vội vàng, chuyển từ dạng tròn của trụ lành thương sang hình dạng răng (do lab tạo hình) quá nhanh. Điều này không chỉ gây khó chịu cho bệnh nhân mà còn có thể dẫn đến những hậu quả không lường trước được. Thậm chí dù cho có thể đưa phục hình xuống khít sát rồi thì khi siết vít vặn abutment với lực torque sau cùng ta sẽ có khả năng gặp hai vấn đề:

1. Mô mềm quá chặt và ta không thể đưa phục hình xuống khít sát một cách dễ dàng. Sẽ gây khó chịu nhiều hơn cho bệnh nhân và thậm chí làm rã cement với mão răng gắn bằng cement.

2. Vài tháng sau, bệnh nhân sẽ quay lại vì bị tụt nướu. Thật đáng tiếc. Ta đã tạo áp lực quá lớn lên nướu, đè trắng nướu quá nhiều, có thể dẫn đến hoại tử và tụt nướu.

Vì vậy, việc tốt nhất ta có thể làm khi bệnh nhân đã sẵn sàng để lấy dấu đó là…khoan hãy lấy dấu đã!!! Hãy gắn abutment tạm và bắt đầu tạo hình dạng thoát trên đó. Cách làm như sau:

  • Phủ nhựa acrylic hoặc bơm composite lỏng lên abutment theo hình dạng chung như trên hình ở đầu bài. Các răng cửa giữa và răng cửa bên có hình dạng tam giác hơn là hình tròn.
  • Gắn thử phục hình và quan sát xem nướu bị đè trắng đến mức nào. Nếu kéo dài quá 5 phút, có thể ta đã tạo hình bị dư. Hãy điều chỉnh bớt.
  • Tránh không tạo các góc sắc nhọn và các phần phủ đè lên nướu, chúng sẽ gây tích tụ mảng bám.

Nhưng làm sao để có thể chuyển tải được hình dạng nướu này cho lab. Ta không thể chỉ đơn giản là gắn một coping lấy dấu hình trụ vào và cố gắng bơm chất lấy dấu vào thật nhanh. Mô nướu sẽ co lại ngay lập tức, đặc biệt là khi implant đặt sâu phía dưới. Trong bài tiếp theo, ta sẽ bàn về cách để tạo một coping lấy dấu cá nhân .